Tin tức - Sự kiện

Những điểm mới trong Luật Thư viện số 46/2019/QH14

Lastest update: 8/19/2020

Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL/UBTVQH ngày 28/12/2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra đời, đánh dấu quá trình phát triển của sự nghiệp Thư viện Việt Nam. Trải qua gần hai thập kỷ, với sự phát triển của khoa học công nghệ, phát thanh, truyền hình, internet đã làm thay đổi sâu sắc sự nghiệp phát triển thư viện và văn hóa đọc. Để tạo hành lang pháp lý cho sự nghiệp thư viện phát triển, đáp ứng với yêu cầu thực tế xã hội hiện nay, ngày 21 tháng 11 năm 2019 Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện số 46/2019/QH14 gồm 06 chương và 52 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. So với Pháp lệnh Thư viện, Luật Thư viện có những điểm mới nổi bậc như sau:

1. Mô hình thư viện ngoài công lập được bổ sung

Trong Pháp lệnh Thư viện quy định các loại hình thư viện bao gồm 02 loại hình: Thư viện công cộng và Thư viện chuyên ngành, đa ngành. Tại Điều 9 của Luật thư viện quy định Thư viện được tổ chức theo 02 mô hình đó là:

Thư viện công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan, tổ chức chủ quản;

Thư viện ngoài công lập do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp ngoài công lập hoặc mô hình khác.

Luật lần này cũng quy định rõ Thư viện bao gồm các loại sau đây: Thư viện Quốc gia Việt Nam; Thư viện công cộng; Thư viện chuyên ngành; Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân; Thư viện cơ sở giáo dục đại học (gọi là thư viện đại học); Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác; Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.

2. Đối tượng thành lập thư viện được mở rộng

Theo Điều 7 của Pháp lệnh thì việc thành lập Thư viện được quy định chỉ có tổ chức của Việt Nam có quyền thành lập thư viện. Tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam có quyền tham gia vào các hoạt động do thư viện tổ chức.

Đối với Luật Thư viện đã mở rộng đối tượng của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam được thành lập thư viện khi đủ các điều kiện theo quy định. Như vậy, so với Pháp lệnh Thư viện thì đây là một điểm mới trong Luật Thư viện. Theo đó tổ chức, cá nhân nước ngoài không chỉ được tham gia vào các hoạt động do thư viện tổ chức mà còn được trực tiếp thành lập thư viện và cung cấp dịch vụ thư viện phục vụ người Việt Nam.

3. Ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Theo Điều 30 về Phát triển văn hóa đọc Luật Thư viện quy định: Ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Và việc phát triển văn hóa đọc được thực hiện thông qua các hoạt động sau:

Tổ chức hoạt động hình thành thói quen đọc trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trong phạm vi cả nước;

Hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, khai thác tài nguyên thông tin cho trẻ em tại thư viện cơ sở giáo dục mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông;

Phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin, mở rộng tri thức cho người sử dụng thư viện;

Đẩy mạnh liên thông giữa thư viện công cộng với thư viện khác trên địa bàn; truy cập và khai thác thông tin, tri thức từ thư viện số dùng chung thông qua thiết bị điện tử; sử dụng dịch vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.

4. Phát triển thư viện số

Tài liệu số là đơn vị thông tin có nội dung xác định, là tài liệu số nguyên sinh hay số hóa, được thư viện tạo ra, số hóa hoặc bổ sung dưới dạng số như một phần của vốn tài liệu thư viện.

Với các quy định của Luật về xây dựng tài nguyên thông tin số trên cơ sở thu thập tài liệu số, số hóa tài liệu của thư viện. Việc xử lý, lưu giữ, bảo quản tài nguyên thông tin số phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin, chuyên môn, nghiệp vụ thư viện. Sử dụng phần mềm tiên tiến trong quản trị thư viện số, thiết kế giao diện thông minh. Cung cấp quyền truy cập tài nguyên thông tin số và các dạng khác.

5. Đẩy mạnh hoạt động liên thông thư viện

 Liên thông thư viện là một trong những điểm mới của Luật, đây được xem là hoạt động liên kết, hợp tác giữa các thư viện nhằm sử dụng hợp lý, có hiệu quả vốn tài liệu, tiện ích, kết quả xử lý và các sản phẩm của thư viện.

Tại Điều 29 của Luật quy định về nội dung liên thông gồm 03 nội dung chính: Phối hợp trong thu thập, bổ sung tài nguyên thông tin, dữ liệu số dùng chung và hợp tác trong xây dựng mục lục liên hợp; Chia sẻ, sử dụng chung tài nguyên thông tin giữa các thư viện; chia sẻ kết quả xử lý tài nguyên thông tin và sản phẩm thông tin thư viện; Liên kết tổ chức dịch vụ thư viện phục vụ người sử dụng thư viện. Theo đó, liên thông thư viện được thực hiện theo phương thức: Liên thông theo khu vực địa lý; Liên thông theo nhóm thư viện có chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ tương đồng; Liên thông theo lĩnh vực, nội dung tài nguyên thông tin và Liên thông giữa các loại thư viện.

Vế cơ chế liên thông: Thư viện được Nhà nước ưu tiên đầu tư làm nòng cốt trong xây dựng, chia sẻ và khai thác tài nguyên thông tin dùng chung giữa các thư viện; Hợp tác trong việc bổ sung, mua quyền truy cập và chia sẻ tài nguyên thông tin nước ngoài, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí của Nhà nước và xã hội; Tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách nhà nước phải được liên thông, chia sẻ giữa các thư viện.

6. Hợp tác quốc tế về thư viện

          Hợp tác quốc tế về thư viện là một trong những điểm mới so với Pháp lệnh thư viện. Hiện nay trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đây được xem là quy định quan trọng nhằm thúc đẩy việc liên thông, liên kết, giao lưu chia sẽ nguồn lực tài nguyên thông tin giữa các thư viện trong và ngoài nước. Theo Điều 36 việc hợp tác quốc tế được quy định bởi các hình thức như: Xây dựng và triển khai chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế; Tham gia các tổ chức, hội, diễn đàn nghề nghiệp, liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài; tham gia xây dựng, thực hiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông lệ quốc tế về thư viện; Nghiên cứu khoa học, trao đổi tài nguyên thông tin, kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; ứng dụng và chuyển giao công nghệ; quảng bá, xúc tiến, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia, hỗ trợ hoạt động thư viện và các hoạt động hợp tác quốc tế khác phù hợp với quy định của pháp luật.

7. Đánh giá hoạt động thư viện

 Đây là quy định hoàn toàn mới so với Pháp lệnh Thư viện. Để giúp cho việc đánh giá được thực hiện nghiêm túc Luật đã quy định riêng về vấn đề này. Theo đó, việc đánh giá hoạt động thư viện được thực hiện đối với tất cả các loại thư viện nhằm mục đích phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thư viện và nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện. Theo quy định việc đánh giá được dựa trên các nguyên tắc: Khách quan, chính xác, đúng quy định của pháp luật; Trung thực, công khai, minh bạch, bình đẳng và theo định kỳ hằng năm. Tiêu chí, phương pháp, thủ tục đánh giá hoạt động thư viện được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia. Như vậy, định kỳ hàng năm tất cả các thư viện đều phải đánh giá hoạt động theo Tiêu chuẩn quốc gia về Bộ chỉ số văn hóa hoạt động thư viện do Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành. Nội dung cụ thể của Điều này do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.

Sự nghiệp phát triển thư viện và văn hóa đọc nhằm nâng cao dân trí luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, trong bối cảnh ngành thư viện Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, Luật Thư viện được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để Luật thật sự đi vào thực tiễn cuộc sống, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đầu tư, thực hiện các chính sách của nhà nước về phát triển thư viện là hết sức quan trọng. Việc triển khai hiệu quả các quy định của Luật sẽ khẳng định vai trò của thư viện trong đời sống xã hội hiện nay.    

Xuân Lê

Publish: 8/19/2020 Views: 10282
Các bài khác