Tin tức - Sự kiện

Từ tủ sách của Trần Đăng Khoa nhìn đến Ngày Sách Việt Nam

Lastest update: 5/3/2019

Ngày Sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cộng đồng xã hội; là dịp để khẳng định giá trị, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc, những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, phát hành, lưu trữ, phục vụ bạn đọc và những người làm công tác thư viện, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Chào mừng Ngày Sách Việt Nam năm 2019, Trung tâm Thông tin Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức giao lưu với nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa. Lần này, các thế hệ bạn đọc được tiếp xúc với một Trần Đăng Khoa không phải dưới góc nhìn của Thần đồng thơ mà là một nhà báo, nhà thơ đang nói về văn hóa đọc trong xã hội hiện đại. Theo ông đọc là một yêu cầu cần thiết trong quá trình học tập và tích lũy kiến thức. Ông đã chia sẻ kinh nghiệm từ chính bản thân. Để có những bài thơ lưu lại trong bộ sưu tập thơ như hôm nay, chỉ có một điều giản dị là đọc và đọc rất nhiều sách. Ở tuổi nào cũng cần phải đọc, và ông nhấn mạnh ở lứa tuổi ngồi trên ghế nhà trường, tuổi sinh viên càng cần phải đọc. Từ các hoạt động thường nhật nhất trong đời sống hàng ngày của mỗi con người cho đến học tập ở các lứa tuổi, các nhà nghiên cứu khoa học… tất cả đều phải đọc vì một chân lý “Không có sách thì không có tri thức” V.I. LÊNIN.

Trần Đăng Khoa nói về văn hóa đọc, nhưng được truyền tải qua các bài thơ một cách gần gũi, dung dị. Văn hóa đọc như ông chia sẻ luôn đi từ “góc sân và khoảng trời”; từ tủ sách của người anh trai với rất rất nhiều các thể loại sách, và đọc cái gì cũng tốt, không tốt nhiều thì tốt ít… Đầu tiên đọc để hiểu biết mọi hiện tượng thiên nhiên xung quanh, sau đó tích lũy dần để viết, bởi vậy những bài thơ, bài viết của ông luôn đi từ những hiện tượng thường nhật của cuộc sống.

Kết thúc buổi nói chuyện, mọi người như được trở về tuổi thơ với tiếng mưa “rất mỏng”, tiếng ếch…, tiếng lá rơi lung linh trên các sắc màu qua mỗi vần thơ mà ở đó là cả một quá trình đọc, đọc say mê từ khi còn là một cậu bé Khoa tinh nghịch “Trăng tròn như cái đĩa, đứa nào đá lên trời” cho đến bây giờ là nhà phê bình, nhà báo, ông vẫn đọc. Mỗi bài thơ, mỗi bài viết của ông đều gắn với các trước tác sinh động, sâu lắng, mang hơi thở của cuộc sống và đọng lại mãi với thời gian.

Từ đó Trần Đăng Khoa đã khẳng định văn hóa đọc không thể mất đi mà luôn tồn tại và phát triển theo đúng quy luật của thời đại. Vì vậy đọc và chọn sách để đọc sao cho phù hợp là vấn đề cần được sinh viên suy nghĩ và thực hiện nghiêm túc. Văn hóa đọc cần phải được hình thành từ những ngày đầu khi con trẻ bắt đầu biết chữ, tiếp tục củng cố ở  các bậc học phổ thông và sẽ rèn luyện qua năm tháng  thành thói quen. Hình thành và phát triển văn hóa đọc cần được quan tâm từ các bậc phụ huynh đến các tổ chức xã hội trong và ngoài nhà trường. Trong xã “hội học tập” ngày nay, sách và văn hóa đọc là hành trang không thể thiếu của sinh viên nói chung và sinh viên Đại học Sư phạm nói riêng trên hành trình đi đến những công trình khoa học./.

 Một số hình ảnh

 





 



  Võ Thị Hải Vân                               

             Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường ĐHSPHN

Theo Công đoàn Trường ĐHSP Hà Nội

Publish: 5/2/2019 Views: 6633
Các bài khác