Lịch sử phát triển

 

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

  1. Quá trình thành lập

Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN) ra đời cùng với sự thành lập Trường ĐHSPHN theo Nghị định số 276/NĐ của Bộ Quốc gia Giáo dục ngày 11/10/1951

Ngày 10.12.1993, theo Nghị định 97/CP của Chính phủ, Trường ĐHSPHN là một trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, thời điểm này, Thư viện trường là một Phòng phục vụ bạn đọc trong Trung tâm Thông tin - Thư viện của ĐHQGHN.

Ngày 12.10.1999, theo Quyết định số 201/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường được tách ra khỏi ĐHQGHN và mang tên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thư viện lúc này được chính thức mang tênTrung tâm Thông tin Thư viện Trường ĐHSPHN.

  1. Lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ

Từ khi thành lập đến năm 1971, Thư viện trực thuộc Phòng Giáo vụ của Trường, hoạt động của Thư viện gắn liền với hoạt động của các khoa. Từ sau năm 1971, Thư viện được tách ra thành một đơn vị riêng trực thuộc Ban Giám hiệu. Từ đây, Thư viện mới dần ổn định và xây dựng một cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh.

- Từ 1971 đến 1976:      Trưởng đơn vị:          Nguyễn Xuân Hậu

- Từ 1976 đến 1978:      Trưởng đơn vị:          Tôn Long Hưng

- Từ 1978 đến 1985:      Trưởng đơn vị:          Nguyễn Ly Dung

- Từ 1986 đến 1987:      Trưởng đơn vị:          Trần Văn Quỳnh

- Từ 1987 đến 1993:      Trưởng đơn vị:          Nguyễn Tam Cường

- Từ 1993 đến 1997:      Trưởng đơn vị:          Hoàng Xuyên Liên Chi

- Từ 1997 đến 3/2015:   Trưởng đơn vị:          Nguyễn Thị Minh Ngọc

- Từ 2015 đến 3/2020:   Trưởng đơn vị:          Võ Thị Hải Vân 

3. Đội ngũ cán bộ

           - Tổng số cán bộ hiện nay của Trung tâm gồm 26 viên chức làm công tác chuyên môn, trong đó có: 12 Thạc sỹ, 14 cán bộ trình độ đại học.

    - Ngoài ra còn có 3 nhân viên bảo vệ và vệ sinh

4. Quá trình phát triển và thành tích đạt được từ khi thành lập đến nay

            * Quá trình phát triển

            - Giai đoạn từ 1951-1965: Thư viện thời kỳ đầu thành lập, cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, đội ngũ cán bộ còn rất mỏng, tài liệu phục vụ học tập, giảng dạy chưa nhiều, nhưng bằng lòng yêu nghề, ngay từ những ngày đầu, thư viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ đào tạo nhà trường giao cho. Thời kỳ này, Thư viện trực thuộc Phòng Đào tạo của trường.

            - Giai đoạn 1965-1975: Đây là giai đoạn Trường ĐHSP Hà Nội có sự chuyển hướng về cơ cấu tổ chức để phù hợp với tình hình thực tế  của cách mạng cả nước ở thời điểm đó. chính vì thế Trường ĐHSP Hà Nội được tách ra thành 3 trường: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, Đại học Sư phạm Hà Nội II và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Giai đoạn này, đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh đánh phá miền Bắc, cán bộ, giảng viên và sinh viên toàn Trường phải đi sơ tán về nhiều tỉnh khác nhau. Trong hoàn cảnh đó, để đáp ứng tốt nhiệm vụ phục vụ đào tạo, Thư viện cũng chia tài liệu và phân công cán bộ theo các khoa về nơi sơ tán để cán bộ, giảng viên và sinh viên không thiếu tài liệu học tập, giảng dạy, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.

           - Giai đoạn 1975–1993: Giai đoạn này, trường có tên là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I trên cơ sở sáp nhập 2 Ttrường Đại học Sư phạm Hà Nội I và Đại học Sư phạm Hà Nội II. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường trong giai đoạn này là chi viện cho việc xây dựng Trường ĐHSP Hà Nội 2 mới được thành lập ở Xuân Hoà (1976) và các trường ĐHSP, CĐSP ở miền Nam, Lào, Campuchia… Thực hiện nhiệm vụ của Nhà trường giao cho, Thư viện vừa phải đảm bảo tài liệu phục vụ cho học tập, giảng dạy, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường ĐHSP Hà Nội I vừa phải chia sẻ tài liệu cho các trường bạn.

           - Giai đoạn 1997 – 1999: Thời điểm này, Trường ĐHSP Hà Nội là một trường thành viên thuộc ĐHQG Hà Nội. Thư viện của Trường sát nhập vào Trung tâm Thông tin - Thư viện thuộc ĐHQG Hà Nội, vẫn duy trì tốt nề nếp phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường một cách hiệu quả.

          - Giai đoạn 1999 đến nay: ngày 11/11/1999 theo Quyết định số: 1392/TCCB của Giám đốc ĐHQGHN, Trường ĐHSPHN tách ra khỏi ĐHQGHN, theo đó Thư viện cũng được tách khỏi Trung tâm Thông tin - Thư viện ĐHQG Hà Nội. 

          Đây là giai đoạn Thư viện nhận được sự quan tâm đầu tư lớn của Nhà trường từ phát triển đội ngũ cán bộ đến cơ sở vật chất, trang thiết bị…Từ đây Thư viện đã có những chuyển biến mạnh mẽ, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu tài liệu, thông tin của đông đảo bạn đọc phục vụ hiệu quả yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường trong giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng trường đại học sư phạm trọng điểm.

            * Thành tích đã đạt được

         Trong suốt 65 năm  cùng với sự phát triển và không ngừng lớn mạnh về mọi mặt của Nhà trường, Trung tâm - Thông tin Thư viện đã có nhiều cải tiến trong công tác tổ chức hoạt động, thoả mãn nhu cầu ngày càng cao về thông tin tài liệu, đáp ứng yêu cầu học tập, giảng dạy, nghiên cứu của đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên, phục vụ hiệu quả mục tiêu đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội qua từng giai đoạn phát triển. Đặc biệt từ năm 2000 đến nay, Trung tâm đã có những chuyển biến mạnh mẽ trên mọi mặt hoạt động.

Công tác chuyên môn nghiệp vụ

         a. Bổ sung vốn tài liệu: 

- Hiện tại, Trung tâm đang quản lý và phục vụ khoảng 130.000 tên tài liệu với khoảng 350.000 bản bao gồm nhiều ngôn ngữ và loại hình tài liệu khác nhau phù hợp với các chuyên ngành đào tạo của nhà trường. Các loại hình tài liệu hiện có tại Trung tâm gồm sách, luận án, luận văn, báo, tạp chí, đề tài nghiên cứu khoa học. Hàng năm nhà trường giành cho Trung tâm một khoản kinh phí nhất định để bổ sung tài liệu. Trong mấy năm gần đây, ngoài các tài liệu truyền thống, Trung tâm đã bổ sung  nguồn tin điện tử đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu...

- Trung tâm thường xuyên nhận được tài liệu biếu tặng từ:

          + Quỹ Châu Á Thái Bình Dương: khoảng 400 tên tài liệu/ năm (tương đương khoảng 1.000 cuốn)

          + Nhà xuất bản Văn học

          + Hôi Văn hóa Nghệ thuật dân gian...

          b. Xử lý tài liệu: Toàn bộ tài liệu bổ sung về được xử lý theo đúng chuẩn nghiệp vụ quy định của Vụ Thư viện Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, phù hợp với chuẩn nghiệp vụ quốc tế như Khung phân loại Dewey 23, biên mục MARC21, AACR2. Đến nay, toàn bộ dây chuyền thông tin tư liệu của Trung tâm đã được thực hiện trên máy tính, tài liệu được xử lý nhanh chóng, chính xác, đưa về các kho kịp thời phục vụ bạn đọc, đồng thời tổ chức bộ máy tra cứu truyền thống và bộ máy tra cứu hiện đại để bạn đọc tra tìm tài liệu.

c. Phục vụ bạn đọc: Phục vụ bạn đọc là khâu cuối cùng trong dây chuyền thông tin tư liệu, đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá toàn bộ hoạt động của thư viện và các cơ quan thông tin. Với phương châm tất cả cho bạn đọc, trong nhiều năm qua công tác phục vụ bạn đọc tại Trung tâm đã có nhiều cải tiến, bên cạnh các kho đóng, Trung tâm đã tổ chức các kho phục vụ theo hình thức mở để bạn đọc được trực tiếp vào kho lựa chọn tài liệu, hình thức phục vụ này không những tiết kiệm được thời gian tra tìm tài liệu mà còn kích thích nhu cầu hứng thú đọc của bạn đọc. Phòng đọc đa phương tiện cũng đã thu hút được một số lượng lớn bạn đọc đến sử dụng các thiết bị, các dạng tài liệu điện tử cho mục đích học tập nghiên cứu. Có thể thấy qua số liệu phục vụ bạn đọc trong các năm học gần đây như sau:

            Năm học 2013-2014:

- Tổng số lượt bạn đọc đã phục vụ:  271.414 lượt.

- Tổng số lượt tài liệu đã phục vụ:    92.211 cuốn.

- Tổng số lượt tài liệu trả kho:           40.457 cuốn.

           Năm học 2014-2015:

- Tổng số lượt bạn đọc đã phục vụ:  206.874 lượt.

- Tổng số lượt tài liệu đã phục vụ:    49.318 cuốn.

- Tổng số lượt tài liệu trả kho:          49.061 cuốn.

           Năm học 2015-2016:

- Tổng số lượt bạn đọc đã phục vụ:  200.122 lượt.

- Tổng số lượt tài liệu đã phục vụ:    37.433 cuốn.

- Tổng số lượt tài liệu trả kho:          38.253 cuốn.

           Năm học 2016-2017:

- Tổng số lượt bạn đọc đã phục vụ:  189.714 lượt.

- Tổng số lượt tài liệu đã phục vụ:    25.845 cuốn.

- Tổng số lượt tài liệu trả kho:          26.203 cuốn.

Trong nhiều năm qua, đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc, Trung tâm đã mở cửa phục vụ ngoài giờ: buổi trưa và tất cả các buổi tối trong tuần. Đây không chỉ là nỗ lực của mỗi cán bộ Trung tâm Thông tin Thư viện mà còn là sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà trường với mong muốn ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Sư phạm trọng điểm.

        Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

      Để đáp ứng tốt yêu cầu đòi hỏi phát triển thư viện đáp ứng nhu cầu về thông tin, tài liệu của đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên, Trung tâm đã tạo điều kiện để cán bộ được tham gia các khoá học nâng cao trình độ. Hiện tại Trung tâm có 14 Thạc sĩ chuyên ngành Thông tin - Thư viện, 01 Thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ Thông tin và 02 cán bộ đang học cao học tại Trường Đại học Văn hoá Hà Nội. Ngoài ra, Trung tâm thường xuyên cử cán bộ tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn, các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học do Nhà trường và các cơ quan thông tin thư viện tổ chức.

  Công tác nghiên cứu khoa học

     Đứng trước yêu cầu đòi hỏi phải thường xuyên đổi mới hoạt động thông tin thư viện để phục vụ có hiệu quả mục tiêu đào tạo và nghiên cứu khoa học, từ năm 2000 đến nay, Trung tâm đã liên tục triển khai các Dự án và Đề tài nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu thập tài liệu, tổ chức quản lý, phục vụ khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thông tin thư viện.

- Từ năm 2001 đến 2005: Trung tâm thực hiện 02 Dự án: “Từng bước tin học hoá hoạt động thông tin thư viện tại Trường ĐHSP Hà Nội" và “Tin học hoá hoạt động thư viện và xây dựng kho tư liệu điện tử”.

- Từ năm 2006 đến nay: các đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường đã được thực hiện:“Hoàn thiện hệ thống thông tin Thư viện Trường ĐHSPHN”; “Số hoá tài liệu tại Thư viện Trường ĐHSPHN”; “Nguồn tin nội sinh phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Thư viện Trường ĐHSPHN”; “Thiết kế phần mềm kiểm kê kho mở tại Thư viện Trường ĐHSP Hà Nội”; “Các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn tin tại trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội".

   Công tác đoàn thể

     Bên cạnh công tác chuyên môn, công tác đoàn thể luôn được Trung tâm xác định là một nhiệm vụ không thể tách rời trong toàn bộ hoạt động của đơn vị. Chính vì vậy. lãnh đạo đơn vị luôn giành sự quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức đoàn thể tham gia một cách tích cực các hoạt động do nhà trường phát động và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

   Ứng dụng CNTT trong hoạt động Thư viện

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thông tin - thư viện của Trường ĐHSP Hà Nội đã được triển khai từ năm 1994 nhưng  công việc chỉ thực sự có hiệu quả từ năm 2000. Cho đến nay, toàn bộ tài liệu của Trung tâm đã được xây dựng cơ sở dữ liệu và được đưa lên mạng tạo điều kiện để bạn đọc có thể truy cập từ xa. Toàn bộ dây chuyền thông tin tư liệu từ khâu bổ sung đến xử lý, quản lý bạn đọc, phục vụ mượn trả tài liệu, in các biểu mẫu thống kê báo cáo, in thư mục thông báo sách mới… đều được tiến hành trên máy. Đặc biệt phần mềm quản trị thư viện tích hợp Libol 5.5 của Công ty Công nghệ Tin học Tinh Vân đã thực sự phát huy hiệu quả, tiết kiệm thời gian công sức của cán bộ thư viện, tạo điều kiện để bạn đọc tra tìm tài liệu nhanh chóng, chính xác.

5.  Quan hệ hợp tác

     Trung tâm mở rộng quan hệ hợp tác với các thư viện trong và ngoài nước. Cụ thể:   

- Hợp tác với Quỹ Châu Á – Thái Bình Dương thông qua Thư viện Quốc gia Việt Nam.

- Thường xuyên hợp tác với Liên hiệp Thư viện các trường Đại học khu vực phía Bắc, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.

- Các Nhà xuất bản, các Công ty Phát hành, các trường đại học và các Viện nghiên cứu...

Trung tâm cũng có nguồn tài liệu tặng cho các cơ quan tổ chức

     + Trường THCS Trà Vân, Trà Don (Quảng Nam)

     + Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu.

     + Trường Đại học Hùng Vương, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội...

     + Thư viện cơ sở Hà Nam …

      6. Những thành tích khen thưởng được ghi nhận

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cho cá nhân: 05

- Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cho tập thể: 02

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch: 02

- Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục: 18

- Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Giáo dục: 15

- Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn hóa Thể thao và Du lịch: 24

- Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam: 03

- Bằng khen của Thành đoàn thành phố Hà Nội: 01

- Huy chương vì thế hệ trẻ do BCH Trung ương đoàn tặng cho cá nhân: 01

- Tập thể lao động xuất sắc cấp Bộ năm 2006 - 2007.

Ngoài ra, cán bộ của Trung tâm được tặng nhiều Giấy khen của Nhà trường do có nhiều thành tích trong hoạt động chuyên môn phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động đoàn thể khác.